Hơn 21 triệu hộ gia đình tại 52 tỉnh, thành thuộc diện phải sáp nhập có phải làm lại Sổ đỏ?
Theo Nghị quyết 60-NQ/TW về Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó dự kiến sẽ có 52 tỉnh, thành thuộc diện sáp nhập, hợp nhất, hình thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
52 tỉnh thành nào thuộc diện phải sáp, nhập
Cụ thể, theo danh sách ban hành kèm theo Nghị quyế 60, dự kiến 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sáp nhập, hợp nhất như sau:
(1) Hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
(2) Hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, lấy tên là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.
(3) Hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
(4) Hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hoà Bình; lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.
(5) Hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.
(6) Hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hung Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
(7) Hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.
(8) Hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.
(9) Hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.
(10) Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.
(11) Hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
(12) Hợp nhất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định
(13) Hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa, lấy tên là tình Khánh Hoà, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
(14) Hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận, lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
(15) Hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.
(16) Hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
(17) Hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay,
(18) Hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An.
(19) Hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang; lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.
(20) Hợp nhất tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.
(21) Hợp nhất tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang.
(22) Hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.
(23) Hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kế (Bộ Tài chính), tính đến 1/4/2024, Việt Nam hiện có hơn 28,1 triệu hộ gia đình, trong đó, số hộ gia đình thuộc 52 tỉnh, thành thuộc các tỉnh, thành phải sáp nhập là hơn 21,9 triệu hộ.
Có phải làm lại sổ đỏ khi sáp nhập tỉnh thành?
Liên quan đến vấn đề làm lại sổ đỏ, theo Điều 133 Luật Đất đai năm 2024 quy định, một trong những trường hợp phải thực hiện đăng ký biến động đất đai đó là có sự thay đổi về ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất. Việc đăng ký biến động đất đai trong trường hợp này được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.
Cụ thể, căn cứ khoản 21 Điều 13 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định về thông tin về biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, trường hợp thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thể hiện: "Đổi tên ... (ghi tên đơn vị hành chính trước thay đổi) thành ... (ghi tên mới của đơn vị hành chính)".
Ví dụ: Trường hợp thay đổi tên đơn vị hành chính huyện Từ Liêm thành quận Bắc Từ Liêm thì ghi: "Tên huyện thay đổi từ huyện Từ Liêm thành quận Bắc Từ Liêm".
Đồng thời căn cứ quy định tại Điều 21 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 nêu trên, sổ đỏ đã cấp trước thời điểm thực hiện sáp nhập tỉnh thành vẫn có giá trị sử dụng nếu chưa hết hạn.
Như vậy, khi thực hiện sáp nhập tỉnh thành thì không bắt buộc người dân phải làm lại sổ đỏ, trừ trường hợp người dân có nhu cầu.
Cơ quan nào sẽ phụ trách hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, sổ đỏ sau sáp nhập tỉnh xã 2025
Căn cứ theo tiểu mục 1 Mục II Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết 74/NQ-CP năm 2025 nêu rõ việc hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, sổ đỏ sau sáp nhập tỉnh xã 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ ban hành hướng dẫn việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến công tác xây dựng nông thôn mới và các chính sách theo Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, các dự án, tiểu dự án, hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của các ĐVHC thực hiện sắp xếp.
Ban hành hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cơ sở dữ liệu đất đai; cung cấp số liệu diện tích tự nhiên của các ĐVHC thực hiện sắp xếp,... và các vấn đề khác có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Theo đó, việc hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, sổ đỏ sau sáp nhập tỉnh xã 2025 trước ngày 10/4/2025 giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành.
