3 loại gia vị là "máy nghiền virus" tăng đề kháng mạnh mẽ lại thanh nhiệt, giải độc cơ thể
Thêm các loại gia vị này vào chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp tăng cường sức khỏe, thúc đẩy miễn dịch hiệu quả, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường.
Từ lâu các loại gia vị và thảo mộc này đã được dùng trong y học như một "công cụ" quan trọng để tăng cường khả năng miễn dịch, giải độc cơ thể và cải thiện nhiều khía cạnh sức khỏe khác:
1. Nghệ
Một trong những thành phần chính của nghệ gọi là curcumin, được biết đến như một hợp chất thực vật có đặc tính chống oxy hóa rất mạnh cũng như chất chống viêm tự nhiên, kháng virus và tiêu diệt vi khuẩn. Tùy theo trọng lượng và hàm lượng curcumin trong nghệ dao động từ 1 - 6%.
Ảnh: Medical News Today
Tổn thương do stress oxy hóa và dấu hiệu viêm trong máu là những nguyên nhân gây bệnh tật và lão hóa. Tiêu thụ nghệ giàu curcumin có thể giúp giảm các nguy cơ này bằng cách ngăn chặn hoạt động của các gốc tự do gây hại. Tất cả đều có lợi cho việc xây dựng và củng cố hàng rào miễn dịch khỏe mạnh.
Ngoài dùng nghệ tươi thì nghệ cũng có thể được sử dụng dưới dạng bột nghệ trong trà nghệ, sinh tố nghệ, nghệ ngâm,...
Theo Đông Y, cả nghệ vàng và nghệ đen đều có vị cay đắng tính ấm, lợi về kinh Can và Tỳ, được dùng để điều trị trong các trường hợp bị đòn ngã tổn thương ứ máu, viêm gan, vàng da, viêm dạ dày, mụn nhọt, phong thấp, tay chân đau nhức.
2. Gừng
Gừng chứa gingerol và zingerone với nồng độ cao được phát hiện có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus và ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào vật chủ. Trong nhiều bài thuốc Y học cổ truyền thì gừng được sử dụng để chống lại bệnh cúm và cảm lạnh thông thường.
Ảnh: Food Network
Theo Healthline, ở một vài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học cũng phát hiện ra tính chất kháng khuẩn của gừng có thể giúp chống loại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, chẳng hạn như khuẩn E.coli, khuẩn candida, khuẩn tụ cầu,...
Trong Đông Y, gừng (sinh khương) có vị cay, tính hơi ôn, vào ba kinh phế, tỳ và vị; có tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm, hành thủy giải độc; dùng chữa ngoại cảm, biểu chứng, bụng đầy trướng, nôn mửa, giải độc bán hạ, nam tinh, cua cá, đờm ẩm sinh ho.
3. Tỏi
Theo Medical News Today, một nghiên cứu năm 2016 đã chỉ ra rằng sử dụng chiết xuất tỏi lâu năm trong 90 ngày ở mùa cảm lạnh và cúm giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như giảm thời gian phục hồi của người bệnh. Điều này được các nhà khoa học giải thích là nhờ allicin, một thành phần hoạt tính của tỏi tươi được nghiền nát, có đặc tính kháng virus.
Ảnh: Healthline
Hợp chất này cũng có hiệu quả chống lại nhiều loại vi khuẩn, bao gồm cả các chủng E. coli kháng nhiều loại thuốc.
Ngoài đặc tính này, tỏi cũng chứa nhiều hợp chất có thể có đặc tính chống ung thư và tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm mỡ máu khác gồm: Allicin, diallyl disulfide, diallyl sulfide, diallyl trisulfide, S-allyl mercapto cysteine và S-allylcysteine.
Trong Đông Y, tỏi có vị cay, tính ôn, hơi có độc, vào hai kinh can và vị; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa băng đới (các bệnh liên quan đến phụ khoa), trùng tích (trị giun sán, tiêu tích trệ do ký sinh trùng gây ra ở đường tiêu hóa), tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đầy chướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả lỵ,...
Nguồn: Healthline, Health, Medical News Today
